Cây nhân Sâm
NHÂN SÂM( PANAX GINSENG C. A. Mey )
Mô tả cây : Cây nhân sâm là một cây sống lâu năm, cao chừng 0,6m. rể mẫm thành củ to. Lá mọc vòng, có cuống dài, lá kép gồm nhiều lá chét mọc thành hình chân vịt. Nếu cây mới được một năm thì cây chỉ có một lá với 3 lá chét, nếu cây nhân sâm được 2 năm cũng chỉ một lá với năm lá chét. Nếu 3 năm thì có 2 lá kép, 4 năm có 3 lá kép. Nếu 5 năm trở lên thì có 4-5 lá kép, tất cả đều có 5 lá chét hình trứng, mép lá chét có răng cưa sâu.
Bắt đầu từ năm thứ 3 trở đi, cây nhân sâm mới có hoa, kết quả. Hoa xuất hiện vào mùa hạ. Cụm hoa hình tán mọc ở đầu cành, hoa màu xanh nhạt, 5 cánh hoa, 5 nhị, bầu hạ 2 núm. Quả mọng hơi dẹp to bằng hạt đậu xanh, khi chín có màu đỏ, trong chứa 2 hạt. Hạt cây sâm năm thứ 3 chưa tốt. Thường người ta bấm bỏ đi đợt cây được 4-5 năm mới để ra quả và lấy hạt làm giống.
Thành phần hoá học : Thân rể và củ chứa 32 hợp chất soponin triterpen, trong đó có 30 chất là saponin dammaran, là thành phần hoạt chất có tác dụng sinh học chủ yếu của sâm. Hàm lượng saponin toàn phần rất cao đến 10,75% ở thân rể cây mọc hoang. Còn có 7 hợp chất polyacetylen, 17 acid béo trong đó có acid palnitic, stearic, oleic, linoleic và linolenic, 17 acid amin trong đó có đủự 8 loại acid amin cần thiết cho cơ thể, 20 nguyên tố di lượng trong đó có Fe, Mn, Co, Se, K. các thành phần khác là glucid, tinh dầu. Trong thân rể tươi có daucosterol.
Tính vị, tác dụng : Vị đắng, không độc. Có tác dụng kích thích nhẹ ở liều lượng thấp làm tăng vận động, tăng trí nhớ, nhưng tác dụng ức chế ở liều lượng cao đối với hệ thần kinh, làm tăng sinh lực chố lại sự mệt mỏi, giúp hồi phục sức lực, làm tăng sự thích nghi của cơ thể trước những bất lợi của điều kiện môi trường sống, tác dụng bảo vệ tế bào giúp hồi phục số hồng,bạch cầu bị giảm, tác dụng tăng nội tiết tố sinh dục, tác dụng kháng viêm, tác dụng điều hoà hoạt động của tim, tác dụng hạ cholesterol máu, chống xơ vữa động mạch, tác dụng giải độc gan và tác dụng kháng khuẩn nhất là đối với Streptococcus gây bệnh viêm họng.
Công dụng : Thân rể và rể củ có thể dùng làm thuốc bổ, tăng lực, chống suy nhược, hồi phục sức lực bị suy giảm, kích thích nội tiết sinh dục, tăng sức chịu đựng, giải độc và bảo vệ gan, điều hoà thần kinh trung ương, điều hoà tim mạch, chống xơ vữa động mạch, giảm đường huyết. Lại có thể dùng làm thuốc trị viêm họng.
Cây Nhân sâm là cây thuốc quý, thuộc họ Ngũ gia bì. Nó được trồng lớn ở Triều Tiên, Trung Quốc, Nhật Bản, Cộng hoà liên bang Nga và Hoa Kỳ. Ở nước ta có trồng thử nhưng chưa thành công. Nhân sâm ưa khí hậu lạnh mát quanh năm và là cây sống trong bóng râm. Nó sẽ chết khi trồng ở nơi có nhiệt độ thường xuyên trên 30 độ C.
Còn ở nước ta có cây Sâm tam thất cùng họ với Nhân sâm và cũng bổ như Sâm, do đồng bào H’mông ở Hà Giang, Lao Cai, Cao Bằng trồng trên vùng núi cao và phải làm giàn để che cẩn thận. Nước ta còn có cây Sâm Ngọc Linh thuộc tỉnh KonTum có độ cao từ 1500m trở lên so với mặt biển. Hiện nay 2 tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng và Kon Tum đang tổ chức trồng lớn ở vùng núi cao đó.
Đôi nét về cây sâm Ngọc Linh
Cây sâm Ngọc Linh (hay sâm K5, sâm Việt Nam, củ ngãi rợm con) được Đoàn điều tra dược liệu Khu 5 do dược sĩ (DS) Đào Kim Long làm trưởng đoàn phát hiện lần đầu vào năm 1973 tại huyện Đăk Tô (Kon Tum). Đây cũng là loài nhân sâm thứ 20 được tìm thấy trên thế giới. Theo đánh giá của TS Trần Chí Liêm (Thứ trưởng Bộ Y tế): “Đây là cống hiến quan trọng cho khoa học, bổ sung tri thức mới về vùng phân bố chi Panax xuống tới vĩ tuyến 15 và bổ sung cho chi Panax họ Araliaceae một loài mới”. Sâm Ngọc Linh trong tự nhiên phân bố chủ yếu xung quanh vùng núi Ngọc Linh (thuộc huyện Trà My, Quảng Nam và Đăk Tô, Kon Tum) ở độ cao 1.500m trở lên. Loại cây này sinh trưởng chậm, phải nhiều năm mới đạt khối lượng có thể sử dụng. Thời chiến tranh, sau khi sâm Ngọc Linh được phát hiện, Khu uỷ Khu 5 đã chỉ đạo Ban Dân y bí mật bảo vệ và khai thác, giao cho xưởng Dược Trung Trung Bộ chế biến làm thuốc phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân; đồng thời gửi mẫu ra Bộ Y tế, Viện Dược liệu Hà Nội nghiên cứu. Sau ngày giải phóng, việc nhiều công trình nghiên cứu xác nhận sâm Ngọc Linh có tác dụng chữa nhiều loại bệnh và phục hồi sức khoẻ đã giúp đồng bào dân tộc vùng núi này đổi được vật dụng gia đình, thực phẩm...
TS Nguyễn Bá Hoạt, Viện phó Viện Dược liệu VN cho hay, nghiên cứu dược lý thực nghiệm sâm Ngọc Linh đã chứng minh tác dụng chống stress vật lý, stress tâm lý và trầm cảm, kích thích hệ miễn dịch, chống oxy hoá, lão hoá, phòng chống ung thư, bảo vệ tế bào gan... Nghiên cứu dược lý lâm sàng của sâm Ngọc Linh cũng cho kết quả: bệnh nhân ăn ngon, ngủ tốt, lên cân, tăng thị lực, hoạt động trí tuệ và thể lực cải thiện, gia tăng sức đề kháng, cải thiện các trường hợp suy nhược thần kinh và suy nhược sinh dục, nâng cao huyết áp ở người bị huyết áp thấp... Những năm 80, trên thị trường tự do giá sâm Ngọc Linh tương đương giá sâm Triều Tiên. Vào những năm 90, giá sâm Ngọc Linh đắt hơn sâm Triều Tiên nhiều lần. Hiện nay, do khan hiếm nên giá sâm Ngọc Linh tại Đăk Tô là 6 – 7 triệu đồng/ 1kg củ khô, tương đương 400 USD. Tuy vậy, việc khai thác, mua bán và sử dụng tràn lan, chưa có quy định quản lý, bảo vệ cùng các chính sách, giải pháp đầu tư, quy hoạch phát triển khiến trên 108 vùng sâm mọc tự nhiên giữa Quảng Nam và Kon Tum bị cạn kiệt, thậm chí có nguy cơ tuyệt chủng; kéo theo là hàng ngàn ha rừng nguyên sinh bị tàn phá!
Nguy cơ tuyệt chủng đã qua, nhưng còn nhiều vấn đề đặt ra!
Trước tình hình đó, Chính phủ đã quyết định thành lập “vùng cấm quốc gia” ở vùng sâm mọc tập trung tại 2 tỉnh này và xếp sâm Ngọc Linh vào danh sách các loại cây cấm khai thác, mua bán... Hiện ở Kon Tum và Quảng Nam, số hộ dân trồng và bảo vệ cây sâm tự nhiên không nhiều, hầu như không kiểm soát được. Quảng Nam đã duy trì Trại nuôi trồng và phát triển dược liệu Trà Linh (Trà My), đang quản lý điểm trồng sâm trên 3 ha với hơn 270.000 cá thể, trong đó gần 100.000 cây đang ra hoa đậu quả (cây trên 4 tuổi); đồng thời gieo ươm 50 -70 ngàn cây giống/năm.Tại Kon Tum, Lâm trường Ngọc Linh đang lưu giữ 4.000m2 cây sâm ở xã Măng ri (Đăk Tô) nhưng trồng không đúng kỹ thuật nên cây còi cọc, ra hoa đậu quả không đáng kể nên chưa sản xuất được giống. Theo TS Nguyễn Bá Hoạt: “Sâm Ngọc Linh chỉ mới ra khỏi nguy cơ tuyệt chủng, độ an toàn thấp, cần sớm có giải pháp đầu tư phát triển bền vững cho công nghiệp dược phẩm và xuất khẩu”. Ông cho rằng, việc nghiên cứu đưa sâm Ngọc Linh thành cây trồng chính cho vùng cao, khai thác lợi thế khí hậu, đất đai để trồng sâm theo hướng sản xuất hàng hoá và tạo vùng nguyên liệu là vấn đề thiết thực để xoá đói giảm nghèo cho đồng bào, trực tiếp bảo vệ rừng đầu nguồn, trường sinh thái và đảm bảo an toàn cho loài cây đặc sản này.
Cây nhân sâm là một loại lâm sản ngoài gỗ.vì sử dung sản phẩm từ nhân sâm là thân và rễ không có nguồn gốc bằng gỗ.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét