Home » » CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG TRÁNH BỆNH LAO

CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG TRÁNH BỆNH LAO

Unknown | 07:37 | 0 nhận xét

CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG TRÁNH BỆNH LAO

Biện pháp phòng tránh bệnh lao

Hiện nay, bệnh lao không còn là mối lo ngại của nhiều người nữa mà bệnh sẽ khỏi hoàn toàn và tránh lây lan cho cộng đồng nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Do đó, để loại trừ bệnh lao không chỉ là trách nhiệm của người thực hiện chương trình mà rất cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng.  
Bệnh lao do vi khuẩn lao (vi khuẩn Kock) gây ra. Bệnh lao không di truyền, nhưng vi khuẩn lao có thể lây từ người mắc bệnh lao phổi sang người lành qua đường không khí khi ho, hắt hơi hoặc khạc đờm. Trong cơ thể, vi khuẩn lao chủ yếu gây bệnh ở phổi. Cũng như người lớn, trẻ em cũng có thể mắc bệnh lao, đặc biệt là trẻ em dười 5 tuổi, trẻ em bị suy dinh dưỡng, trẻ em có tiếp xúc với người lớn mắc bệnh lao phổi.
Một người nghi ngờ bị mắc bệnh lao khi thấy trong người mệt mỏi, gầy sút nhanh, ăn uống kém, ho kéo dài không rõ nguyên nhân mặc dù đã dùng thuốc trị ho và dùng kháng sinh. Những người sống ở môi trường ẩm thấp, xung quanh có nhiều người mắc bệnh lao cũng dễ bị mắc bệnh. Khi có các dấu hiệu trên, người bệnh nên đến gặp thầy thuốc để được khám và điều trị sớm.
Hiện nay có 2 phương pháp phát hiện bệnh lao là phương pháp chủ động và phương pháp thụ động được áp dụng cho cả thầy thuốc và bệnh nhân. Phát hiện bằng phương pháp chủ động là người thầy thuốc phải đưa các phương tiện như kính hiển vi, máy chụp X quang, làm xét nghiệm đờm trực tiếp tới người dân ở tận xã, phường, khóm, ấp. Tuy nhiên, phương pháp này đạt hiệu quả không cao do tốn kém cả về tiền bạc lẫn nhân lực. Phát hiện bằng phương pháp thụ động chính là do người bệnh nghi ngờ mình bị mắc lao khi thấy các dấu hiệu thì chủ động tới các cơ sở y tế để khám. Phương pháp này lại đạt hiệu quả rất cao vì chính họ tự sàng lọc giúp các nhân viên y tế và thầy thuốc có “mục tiêu” chỉ tiến hành trên những người thực sự có triệu chứng. Phương pháp này cũng tốn ít kinh phí, ít nhân lực cho ngành y tế.
Khi gia đình có người bị nhiễm lao phổi thì nên cho bệnh nhân ngủ riêng, nơi ngủ phải thoáng khí. Hạn chế cho trẻ em dưới 5 tuổi gần gũi với bệnh nhân. Nếu có điều kiện, những người trong gia đình nên đi khám để phát hiện và điều trị sớm bệnh lao. Trong suốt thời gian điều trị bệnh lao, người bệnh vẫn có thể làm việc bình thường. Nhưng nên nghỉ ngơi từ 1, 2 tháng đầu điều trị cho đến khi thấy khỏe hơn. Làm việc phải vừa sức, nghỉ ngơi hợp lý và ăn uống đầy đủ dưỡng chất. Bên cạnh đó, môi trường sống phải  trong lành, sạch sẽ, nhà cửa phải thông thoáng, đầy đủ ánh sáng, không tối tăm ẩm thấp, chật chội. Người mắc bệnh lao phổi cần khạc nhổ đúng chỗ vào bô, lọ có chất sát trùng và có nắp đậy; xử lý tốt các chất khạc nhổ, chất tiết, chất thải bằng hypochlorite natri 1%; đồ dùng, chăn màn của người bệnh lao phải được thường xuyên phơi dưới ánh nắng mặt trời,... Tiêm ngừa vaccine BCG cho trẻ sơ sinh để phòng bệnh lao hiệu quả.
Về phía cộng đồng, muốn phòng lao hiệu quả thì phải giảm được nguồn lây bệnh lao. Do vậy, phải phát hiện được người bệnh lao và chữa khỏi bệnh lao hoàn toàn cho những người này. Không thể thay thế việc này bằng bất cứ phương cách nào khác.

  THÚY DUY
Theo Khamchuabenh.com
Share this article :

0 nhận xét:

Đăng nhận xét